Bạn thường lập rất nhiều mục tiêu cho năm mới xong rồi bỏ xó và không bao giờ xem lại. Khi một năm mới qua đi bạn lại buồn bã nhìn về những thứ mình không đạt được. Năm nào cũng hào hứng với việc thiết lập mục tiêu nhưng lại thất vọng khi một năm nữa kết thúc. Hãy đọc hết bài viết này để biến năm nay của bạn hoàn toàn khác với những năm trước đây.
Trước khi thiết lập bất kỳ mục tiêu nào thì một trong những hoạt động quan trọng hơn hết đó chính là nhìn lại bản thân mình trong suốt 1 năm qua.
Đầu tiên, bạn hãy viết xuống tất cả những thứ mình đã đạt được trong năm vừa rồi. Sau khi bạn đã có một danh sách những thứ mình đã đạt được trong năm vừa qua thì hãy ăn mừng những thành quả mà bạn đã cố gắng và nỗ lực để đạt được. Điều đó chứng tỏ một điều là bạn vẫn đang nỗ lực chứ không phải dậm chân tại chỗ.
Tiếp theo, đây có lẽ là việc quan trọng nhất mà hầu như ít người làm nó. Chúng ta thường có xu hướng cảm thấy tội lỗi, hối tiếc và dằn vặt bản thân về những việc mình đã đặt ra nhưng lại không làm được. Nhưng như thế thì vấn đề của bạn cũng sẽ không được giải quyết. Thay vì dằn vặt hãy dành thời gian xem lại những thứ mình không đạt được và tự đặt ra 2 câu hỏi cho chính mình.
1. Tại sao tôi vẫn chưa thể hoàn thành được việc này?
2. Nếu như có cơ hội được làm lại thì tôi sẽ làm như thế nào?
Sau khi bạn đã nhìn lại chính mình trong vòng một năm qua thì bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau lập mục tiêu và xây dựng một bản kế hoạch để đạt được nó.
Nếu bạn đã từng đọc rất nhiều sách về phát triển bản thân thì chắc hẳn chủ đề này không còn gì xa lạ với bạn nữa. Thậm chí, bạn còn được nghe và xem từ rất nhiều người nói về chủ đề này. Đặc biệt hơn nữa, bạn cũng đã lập ra nhiều mục tiêu nhưng cuối cùng thì nó hoàn toàn ở trên giấy và bạn cứ dời nó từ năm này sang năm khác. Vậy thì làm thế nào để lập ra mục tiêu và hoàn thành được nó đây?
Trước khi, chúng ta đi chi tiết vào việc lập mục tiêu như thế nào thì câu hỏi vô cùng quan trọng chúng ta cần phải trả lời là “Tại sao phải có MỤC TIÊU?”, “Nếu không có mục tiêu thì có sao không?”
Nếu bạn không có mục tiêu thì cũng không ảnh hưởng gì đến với thế giới cả. Nó chỉ ảnh hưởng đến bạn mà thôi. Hãy tưởng tượng MỤC TIÊU giống như một cái điểm đến vậy. Và máy bay không thể cất cánh nếu như không có một ĐIỂM ĐẾN rõ ràng . Nếu như bạn lên một chiếc máy bay mà không hề có một điểm đến thì bạn sẽ bay vòng vòng trên không trung và chúi đầu xuống đất mà thôi.
Cũng giống như nếu như bạn KHÔNG CÓ MỤC TIÊU thì sẽ không biết mình sẽ đi đâu, hoàn toàn mù mịt về tương lai. Bạn sẽ thức dậy với đầu óc hoàn toàn trống rỗng và không biết phải làm gì vào ngày hôm đó. Cứ thế bạn sẽ quay vào guồng của công việc, của cuộc sống bộn bề. Tương lai của bạn cũng sẽ mông lung vô định và hoàn toàn mất định hướng.
Tới đây bạn cũng biết rằng tại sao chúng ta cần thiết phải đặt mục tiêu. Vậy thì câu hỏi tiếp theo “Làm thế nào để đặt mục tiêu?”
Nhiều người có mục tiêu nhưng nó cực kỳ mơ hồ. Kiểu như:
“Tôi muốn có nhiều tiền.”
“Tôi muốn có một công việc tốt”
“Tôi muốn có một gia đình hạnh phúc”
“Tôi muốn làm việc với sếp giỏi”
“Tôi muốn nói Tiếng Anh trôi chảy”
Vân vân và mây mây.
Bước đầu tiên: bạn phải xác định mục tiêu RẤT RÕ RÀNG.
+ Bạn muốn kiếm nhiều tiên. Vậy bao nhiêu là nhiều tiền? Bạn phải chi tiết con số cụ thể.
+ Bạn muốn có một công việc tốt. Như thế nào là công việc tốt? (Mức lương, môi trường làm việc, những cơ hội thăng tiến)
+ Bạn muốn có một gia đình hạnh phúc. Như thế nào thì được gọi là hạnh phúc? (Dành thời gian bên gia đình, mua cho bố mẹ những thứ mà họ thích, …)
+ Bạn muốn giỏi Tiếng Anh. Nhưng giỏi Tiếng Anh như thế nào? (Nói chuyện được với người nước ngoài, xem phim không cần phụ đề, thuyết trình bằng Tiếng Anh trong công ty, …)
Bước thứ hai: Kiến tạo THÀNH CÔNG BỀN VỮNG
Sẽ ra sao nếu…
“Bạn có rất nhiều tiền nhưng bạn lại bệnh tật triền miên”
“Bạn có nhiều tiền nhưng lại không có thời gian dành cho gia đình”
“Bạn có sức khoẻ nhưng công việc chẳng ra hồn”. Vì thế, làm thế nào để CÂN BẰNG nhiều yếu tố thì bạn mới KIẾN TẠO thành công bền vững.
Có 4 yếu tố mà bạn cần phải đặt mục tiêu cho nó: Sức khoẻ, Tài chính, Mối quan hệ, Phát triển bản thân.
Sức khoẻ: Bạn cần phải có một cơ thể khoẻ mạnh thì mới có sức để làm được nhiều việc. Nhưng nếu như bạn bị ốm thì chắc chắn sẽ không làm được việc gì cả. Mọi việc rồi sẽ trì trệ theo. Nên bạn cần phải dành thời gian luyện tập thể dục mỗi ngày để có sức khoẻ chiến đấu cho mục tiêu của mình.
Tài chính: Bạn cần phải có thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngoài ra còn những mục tiêu dài hạn mà bạn muốn thực hiện như là khởi nghiệp kinh doanh, chuyến đi chơi cùng gia đình. Bạn cần phải viết xuống thu nhập mà bạn muốn có để hoàn thành những điều trên. Lên kế hoạch những thứ bạn muốn mua, những nơi mà bạn muốn đi.
Mối quan hệ: Bạn muốn có mối quan hệ với những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, sếp. Bạn muốn mua cho họ những thứ gì. Bạn dành thời gian cho họ ra sao. Nó là động lực và cho bạn có một tinh thần vững chắc để giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn
Phát triển bản thân: Đây là những thứ mà bạn muốn đạt được về kỹ năng, học vấn, chứng chỉ, công việc, kinh doanh. Những thứ liên quan đến việc mà bạn phải phát triển bản thân, rèn luyện những kỹ năng. Có thể là đọc sách 50 quyển/ năm, IELTS 6.5,… Đây là những điều mà sẽ giúp bạn phát triển sự nghiệp.
Rất nhiều bạn chỉ có mục tiêu của năm mà thôi. Nhưng không có cách chi tiết để đạt được nó. Bạn cảm thấy nó quá to để đạt được nó. Dần dần, bạn cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc
Bước thứ ba: Bạn phải chia nó thành những MỤC TIÊU NHỎ VÀ DỄ THỰC HIỆN
Bạn chia nó thành những mục tiêu của tháng và mục tiêu của tuần và cuối cùng là thành những mục tiêu hàng ngày bạn phải làm. Bạn phải lập chi tiết một kế hoạch để tiến gần tới mục tiêu đó. Quan trọng là bạn phải biến thành những việc làm, những hành động MỖI NGÀY chứ không phải là NGÀY NÀO ĐÓ. Vì bạn sẽ dễ dàng trì hoãn và dời nó đến cuối năm. Thậm chí, bạn sẽ dời từ năm này sang năm khác.
MUỐN NHANH THÌ PHẢI TỪ TỪ
Khi bạn đã có mục tiêu của năm. Đừng nên CHIA ĐỀU thành từng tháng. Vì điều đó là cực kỳ khó. Nếu chia như vậy bạn sẽ cảm thấy một “NÚI” công việc để hoàn thành và dẫn đến chán nản, bỏ cuộc. Nếu làm được thì đâu đó chỉ vài ngày đầu khi có động lực mà thôi. Khoảng thời gian đầu là cực kỳ khó khăn với bạn. Đơn giản vì bạn chưa đủ nghị lực, chưa vượt qua được sự lười biếng và sự thoải mái trước đây. Vì thế, rất nhiều người thường bỏ cuộc ở giai đoạn này.
Trong những tháng đầu tiên bạn lập hạ thấp mục tiêu xuống để hình thành những thói quen, cũng như cách tập trung làm việc và xử lý những vấn đề. Như vậy, khả năng hoàn thành công việc của bạn sẽ tăng lên theo từng tháng. Bạn sẽ không thể biến mình thành một con người XUẤT CHÚNG chỉ sau 1 đêm được. Mà nó phải hình thành trong một thời gian dài.
Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu là học Tiếng Anh 1 giờ/ ngày.
Bởi vì trước đây bạn chưa có thói quen này nên việc học mỗi ngày 1 tiếng sẽ giống một cực hình hoặc cảm thấy nó rất khó để thực hiện nên tuần đầu tiên hoặc tháng đầu tiên chỉ cần 15 phút mỗi ngày thôi. Sau đó, tăng dần lên 30 phút, 45 phút cho các tuần hoặc tháng tiếp theo.
Sau khi có mục tiêu rồi vậy thì “LÀM SAO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NÓ ĐÂY?”
Có 4 bước để giúp bạn thực hiện được mục tiêu của mình.
Bước 1: Viết ra mục tiêu xuống giấy.
Hãy viết nó xuống chi tiết cụ thể những gì mà bạn muốn thực hiện. Dùng nhiều bút màu, vẽ nhiều hình ảnh minh hoạ sẽ giúp cho bạn dễ liên tưởng được những gì mình muốn đạt được.
Bước 2: Nhìn nó mỗi ngày
Rất nhiều người chỉ đặt ra mục tiêu nhưng chỉ để nó nằm trong xó. Chẳng thèm xem là những mục tiêu nào mà mình cần phải thực hiện. Một thời gian sau lại quên béng nó đi. Cuối năm lục lại xem những mục tiêu thì mới thấy là mình chẳng đạt được điều gì. Vì thế, hãy lôi nó ra đọc nó mỗi ngày để nhắc nhở bạn hành động
Bước 3: Sống với nó
Sống với những mục tiêu nghĩa là sao. Bạn cần phải hình dung rõ ràng những thứ mà muốn đạt được. Tưởng tượng rõ ràng trong đầu về cái cảm giác mình đạt được nó như thế nào, người khác sẽ cảm thấy ra sao. Bạn đặt ra những mục tiêu hằng ngày. Cố gắng hết sức để hoàn thành nó. Bạn sẽ thấy mỗi ngày mình tiến thêm một chút tới mục tiêu. Sau đó hãy ăn mừng thành công mỗi ngày. Yesss. Mình đã làm được thêm 1% nữa rồi. Cứ như thế, bạn từng chút từng chút nữa tới mục tiêu của mình. Làm nó cho đến khi đạt được 100% thì thôi.
Bước 4: Chia sẻ nó với người khác.
Đây là điều không dễ để thực hiện. Hãy chia sẻ nó với những người mà bạn tin tưởng, những người luôn động viên bạn, những người luôn ủng hộ bạn và hạn chế chia sẻ với những người mà bạn không tin tưởng. Nhiều người sẽ cười vào mặt bạn, sẽ ném đá vào bạn, sẽ nói bạn không làm được đâu, đừng có mơ giữa ban ngày, hãy trở về với mặt đất đi. Nhiêu đó cũng đủ giúp bạn xây biệt thự rồi. Một số người sẽ cảm thấy nó như một nguồn động lực để làm nó. Nhưng một số khác sẽ cảm thấy nản, chẳng thèm làm nó và dẫn đến bỏ cuộc. Một năm sau họ sẽ hỏi về những mục tiêu của bạn. Khi bạn nói là bạn không đạt được nó. Họ sẽ bảo là “Thấy chưa. Đã bảo rồi không đạt được đâu.” Như thế, niềm tin trong bạn sẽ dần dần mất niềm tin vào chính bản thân mình.
Vì thế, hãy chia sẻ với những người ủng hộ bạn. Họ sẽ động viên bạn và nếu có thể họ sẽ giúp bạn để đạt mục tiêu nhanh hơn.
Team: Người Trẻ Làm Nên Nghiệp Lớn
Cuốn ebook này sẽ giúp bạn hiểu được những tư duy sai lầm và lý do khiến bạn bị mắc kẹt trong cuộc sống. Qua đó, bạn sẽ làm chủ được những tư duy thiết thực cho mọi khía cạnh. Ngoài ra, bạn còn được bật mí về những vũ khí cần được trang bị trên hành trang sự nghiệp để bạn hái được nhiều tiền trong tương lai. Hãy điền thông tin bên dưới để nhận món quà này nhé.